Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Tăng đầu tư cho y tế

Tăng đầu tư cho y tế: Lợi nhiều đường Ngày làm việc thứ bảy (ngày 27/5) Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XII, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.

Tăng đầu tư cho y tế: Lợi nhiều đường

Ngày làm việc thứ bảy (ngày 27/5) Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XII, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008. Nhiều đại biểu QH cho rằng, khoản tiền từ phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ nên ưu tiên đầu tư nâng cấp cho các cơ sở y tế, giáo dục ở vùng khó khăn.

Tăng đầu tư để giảm tải

Trong lĩnh vực xây dựng và phát triển các cơ sở y tế hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng, cần tập trung cho tuyến xã, cụm xã và tuyến huyện. Đây là vấn đề cấp bách và cần thiết, vì thực trạng hiện nay các cơ sở y tế khu vực này đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Điều đó vừa gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, vừa không phục vụ kịp thời việc khám, chữa bệnh cho bà con, nhất là người dân vùng xa xôi, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại kỳ họp Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Việc sử dụng trái phiếu Chính phủ thời gian qua cũng như thời gian tới để đầu tư nâng cấp bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện đa khoa khu vực đối với ngành y tế cho thấy Quốc hội và Chính phủ đã hết sức quan tâm, đưa ra một quyết sách lớn và rất có ý nghĩa đối với phát triển an sinh xã hội nhằm giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị, do điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo nên cần tập trung đầu tư những trạm y tế xã ở vùng núi như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt những trạm y tế xã ở xa bệnh viện huyện. Bên cạnh đó, các bệnh viện chuyên khoa sâu và các bệnh viện đặc thù khó có thể kêu gọi đầu tư của tư nhân như bệnh viện lao, tâm thần, nhi, cho nên trong nguồn trái phiếu sắp tới cũng cần đầu tư, nâng cấp mở rộng các bệnh viện tuyến Trung ương và các chuyên khoa của bệnh viện tuyến tỉnh như Nghị quyết 18 của Quốc hội đã đề ra.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) cũng nhìn nhận, việc phát hành thêm 20 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ năm 2009 để tăng vốn đầu tư cho các dự án giao thông thủy lợi, các dự án y tế, giáo dục là cần thiết. Hiện nay một số BV chuyên khoa TW luôn quá tải, bệnh nhân nằm cả ngoài hành lang. Một số bệnh viện của tuyến tỉnh thì lại thiếu bác sĩ giỏi, vì vậy cần thiết phải đầu tư nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bên cạnh đó cần tăng kinh phí cho việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và y bác sĩ, có quy định chế độ chính sách phù hợp hơn để các y, bác sĩ yên tâm công tác. Ngoài ra để giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô một số bệnh viện chuyên sâu mà bệnh viện tuyến tỉnh chưa đáp ứng được như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai khoa tim mạch, Bệnh viện Lão khoa... hoặc đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên sâu khu vực để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Khắc phục tình trạng giải ngân chậm

Trong thời gian qua, sự nỗ lực của địa phương cũng như các Bộ, ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, quý I năm 2009, trong tổng số 14.000 tỷ đồng tổng ngân sách trái phiếu Chính phủ, nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đến cuối tháng 4/2009 đã giải ngân 57% và hoàn thành khối lượng tới 71%. Tuy nhiên, một thực tế được nêu lên là việc giải ngân còn chậm, giá cả của thị trường thay đổi, thủ tục về đầu tư cũng như đấu thầu ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện đầu tư, xây dựng bệnh viện.

Một vấn đề nữa được nên lên tại buổi thảo luận là ngoài việc đầu tư mở rộng các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Lao, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nhi, nguồn trái phiếu Chính phủ cần đầu tư cho một số trường đại học trọng điểm như ĐH Y Cần Thơ, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y - Dược TP.HCM và một số các đại học khác trong việc nâng cấp và xây dựng khu ký túc xá. Các đại biểu kiến nghị nguồn trái phiếu trong quá trình phát hành nên có đánh giá, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và MTTQ.

Hạ Hiền

Đầu tư manh mún, khó giải quyết khó khăn về nhà ở

Tại Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai chương trình nhà ở sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp vừa tổ chức. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, từ khi Nghị quyết 18 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị có hiệu lực, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị triển khai các dự án với cả 3 mô hình nhà ở, điển hình như: Hà Nội xây dựng nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Việt Hưng; TP. Hồ Chí Minh xây nhà sinh viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Bộ Quốc phòng, tỉnh Thái Nguyên đã chuẩn bị đủ điều kiện để khởi công một số dự án nhà ở sinh viên trong tháng 6 tới; Công ty Cổ phần Bê tông Xuân Mai (Vinaconex) tiếp tục các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Xuân Mai và Vĩnh Yên.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, hiện vẫn còn một số địa phương chưa thật sự nhập cuộc, chưa có các dự án cụ thể. Đối với các dự án nhà ở sinh viên, các địa phương mới dừng lại ở giải pháp xây dựng ký túc xá trong khuôn viên cơ sở đào tạo chứ chưa chú ý đến mô hình nhà ở sinh viên tập trung. Trong khi Nghị quyết 18 và Quyết định 65 đã yêu cầu các dự án nhà ở sinh viên phải được đầu tư theo hướng tập trung để trong khoảng thời gian ngắn và với nguồn vốn có hạn mới nhanh chóng giải quyết bức xúc chung về sinh viên trên phạm vi địa bàn. Nếu tiếp tục đầu tư mô hình ký túc xá theo từng trường sẽ manh mún, không đủ các điều kiện về hạ tầng xã hội mà cũng không giải quyết được khó khăn về nhà ở cho sinh viên một cách nhanh chóng. Vì vậy, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương cần xây dựng chương trình nhà ở cho sinh viên theo hướng tập trung tới 80%. Bộ Xây dựng cũng lưu ý các địa phương phải xác định được chủ đầu tư cụ thể của các dự án về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp để có tính khả thi cao vì các dự án này đều được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, huy động nguồn lực cụ thể của doanh nghiệp

Theo báo cáo tập hợp từ 16 tỉnh, thành phố và hai Bộ Quốc phòng và Công an, giai đoạn 2009 - 2015 sẽ khởi công 107 dự án nhà ở cho sinh viên với tổng diện tích sàn xây dựng đạt 2.774.266m2, giải quyết chỗ ở cho 439.000 người và nhu cầu đầu tư từ nguồn trái phiếu khoảng 16.369 tỷ đồng. Giai đoạn này cũng đầu tư xây dựng 30 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích sàn 813.500m2 để giải quyết chỗ ở cho 135.500 lao động.

Mạnh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét