Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Quy trình xử lý dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm LTS: Trong số báo SK&ĐS số 177 ra ngày 6/11/2007 chúng tôi đã đăng tải hướng dẫn chẩn đoán và điều trị d

Quy trình xử lý dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

LTS: Trong số báo SK&ĐS số 177 ra ngày 6/11/2007 chúng tôi đã đăng tải hướng dẫn chẩn đoán và điều trị dịch tiêu chảy cấp tính. Số báo này chúng tôi giới thiệu quy trình xử lý dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Quy trình xử lý dịch

Vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường. Ảnh: ND

1. Xác định tình trạng dịch

Trong vùng nguy cơ, khi có các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm phải được xử lý như một ổ dịch tiêu chảy cấp.

2. Xử lý ổ dịch

a. Đối với bệnh nhân

- Cách ly bệnh nhân, tổ chức điều trị tại chỗ, tránh vận chuyển xa để hạn chế sự lây lan và tử vong dọc đường.

- Khẩn trương bù nước, điện giải và dùng kháng sinh đặc hiệu theo đúng phác đồ quy định.

- Tất cả các bệnh nhân tiêu chảy cấp trong ổ dịch phải được xử lý.

- Phân và chất thải của bệnh nhân phải được tiệt trùng bằng vôi bột hoặc cloramin B. Nhà tiêu của gia đình bệnh nhân và các gia đình trong khu vực có dịch phải xử lý triệt để bằng vôi bột. Nơi điều trị bệnh nhân tả phải được cách ly, có nhà tiêu riêng; tại điểm ra, vào khu vực cách ly phải có chậu để dung dịch cloramin B 5% hoặc chất sát khuẩn tay và thảm tẩm cloramin B 5% (thay thường xuyên) để hạn chế tối đa nhiễm khuẩn. Nhà tiêu và nước thải của bệnh nhân phải cách xa nguồn nước và nhà ở.

- Môi trường ô nhiễm xung quanh khu vực bệnh nhân phải được xử lý bằng cloramin B hoặc vôi bột mỗi tuần 1-2 lần và liên tục trong vòng 3-5 tuần.

- Quần áo, chăn màn của bệnh nhân phải nhúng, dội nước sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B 1-2%. Bô, chậu của bệnh nhân phải ngâm vào dung dịch cloramin B 5% trong 20-30 phút trước khi đem rửa sạch. Dụng cụ của bệnh nhân cũng phải được khử khuẩn bằng các hóa chất trên.

- Nền nhà, tường nhà phun dung dịch cloramin B 5% với liều lượng 0,5 lít/m2.

- Phương tiện chuyên chở bệnh nhân phải sát trùng tẩy uế bằng cloramin B 5%.

- Tử thi bệnh nhân tả phải được liệm trong quan tài có vôi bột, hoặc cloramin B, bọc thi thể bằng vải ngăn không thấm nước, chôn cất sớm và phải chôn sâu 2m, hoặc hỏa thiêu.

b. Đối với người tiếp xúc

- Theo dõi tất cả những người đã ăn uống chung, phục vụ, ở chung với bệnh nhân trong vòng 5 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối cùng. Cần phổ biến cho những người này nếu thấy xuất hiện tiêu chảy phải báo cáo ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị và lấy bệnh phẩm xét nghiệm.

- Những người trong gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế trực tiếp phục vụ và những người có tiếp xúc trực tiếp khác, những người cùng ăn với bệnh nhân loại thực phẩm nghi ngờ có liên quan nên được điều trị dự phòng bằng kháng sinh càng sớm càng tốt, phác đồ điều trị dự phòng như sau:

- Đối với người lớn

+ Nhóm fluoroquinolon: Ciprofloxacine 500mg x 2 viên; hoặc norfloxacin 400mg x 2 viên; hoặc ofloxacin 400mg x 1 viên; uống một lần duy nhất.

+ Hoặc azithromycin 20mg/kg cân nặng; uống một lần duy nhất.

+ Hoặc cloramphenicol 30mg/kg cân nặng; uống một lần duy nhất.

- Đối với trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai, đang cho con bú:

+ Azithromycin 20mg/kg cân nặng; uống một lần duy nhất.

- Nếu không có sẵn các thuốc trên, có thể dùng:

+ Erythromycin 1g (trẻ em 40mg/kg cân nặng), uống một lần duy nhất.

+ Doxycyclin 100mg x 3 viên uống 1 liều (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).

Tuy nhiên, không nên chỉ định dùng kháng sinh dự phòng rộng rãi vì ít hiệu quả và có thể làm tăng tỷ lệ kháng sinh tại cộng đồng.

c. Xử lý nguồn nước ăn, nước sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh ăn uống

- Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm sử dụng nguồn nước sạch. Dùng clo để khử trùng nước sinh hoạt cho nhân dân. Chỉ dùng nước đã khử trùng clo hay đun sôi để uống. Nước ăn, rửa bát đĩa và các đồ đựng thực phẩm phải bằng nguồn nước đã khử trùng clo và không bị nhiễm bẩn sau đó.

- Ở thành phố cần kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống dẫn nước, bảo đảm nồng độ clo dư trong nước máy đúng tiêu chuẩn quy định, 0,3-0,5mg/l. Ở các vùng nông thôn cần kiểm soát các nguồn nước giếng ăn, nước sông, ngòi, ao, hồ dùng để ăn và rửa thực phẩm. Cần xử lý nước ăn và nước sinh hoạt bằng cloramin theo đúng nồng độ quy định.

d. Xử lý vệ sinh môi trường

- Tuyên truyền cho nhân dân biết cách tự phòng bệnh như ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, tiết canh, nước đá, mắm ruốc, mắm tôm, hải sản chưa chín kỹ... và vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Hạn chế hội họp, hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin.

- Tổng vệ sinh, thu gom rác, diệt ruồi. Nghiêm cấm phóng uế bừa bãi, vận chuyển và sử dụng phân tươi.

- Kiểm tra chặt chẽ các cửa hàng ăn uống, giải khát, đặc biệt là những nơi chế biến thức ăn, nhà máy nước để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp.

e. Xác định ổ dịch tiêu chảy cấp chấm dứt hoạt động

Sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, dựa vào các tiêu chuẩn sau để xác định và thông báo ổ dịch đã chấm dứt hoạt động:

- Không có bệnh nhân mắc mới tiêu chảy cấp trong vòng 15 ngày.

- Không tìm thấy vi khuẩn gây bệnh ở người tiếp xúc, ở nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và thực phẩm.

- Đã xử lý tiệt trùng ổ dịch, vệ sinh môi trường, điều trị dự phòng và điều trị đặc hiệu với những người trong ổ dịch.

3. Phòng bệnh

- Tuyên truyền giáo dục cộng đồng các kiến thức và biện pháp vệ sinh phòng bệnh tiêu chảy, tập trung vào 4 khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

* Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

* An toàn vệ sinh thực phẩm.

* Bảo vệ nguồn nước, dùng nước sạch.

* Nhanh chóng báo cáo khi có người bị tiêu chảy cho cơ sở y tế gần nhất.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Xây dựng tập quán đi tiêu đúng nơi quy định, xử lý và sử dụng phân người đúng quy cách vệ sinh và phù hợp với tình hình địa phương.

- Xử lý nguồn nước và tăng cường sử dụng nguồn nước sạch. Khử trùng nước bằng cloramin B với liều 5mg – 10 mg cloramin cho 1 lít nước, tùy mức độ ô nhiễm. Đặc biệt chú ý việc khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt trong điều kiện khô hạn hoặc sau lũ lụt, thiên tai, thảm họa.

- Với nguồn thực phẩm: Bên cạnh việc xây dựng tập quán ăn chín, uống nước chín, cần tăng cường việc thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Vận động nhân dân không ăn rau sống, gỏi thịt cá, mắm tôm, hải sản chưa chín kỹ... khi có nguy cơ bệnh tiêu chảy cấp.

- Duy trì thường xuyên việc giám sát tiêu chảy cấp, đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm và vào mùa dịch, kịp thời phát hiện các ca bệnh đầu tiên.

- Luôn sẵn sàng có đội cơ động phòng chống dịch ở từng tuyến. Chuẩn bị các cơ số dự trữ, tối thiểu bao gồm:

* Cơ số dịch uống và dịch truyền (oresol, ringer lactat, huyết thanh kiềm...).

* Cơ số kháng sinh dự phòng khẩn cấp (ciprofloxacin, azithromycin...).

* Hóa chất khử trùng nước và khử trùng tẩy uế chất thải (cloramin B, vôi bột...).

* Các bộ dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, môi trường vận chuyển mẫu, các trang bị và sinh phẩm phân lập và chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét